"Từ khi có dịch, ngày nào tôi cũng đi phát tờ rơi như vậy", bà Khuyên nói.
Những người dân tại phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, trở nên quen thuộc với tiếng gõ cửa và nụ cười của bà Khuyên mỗi sáng. Nhờ bà, họ được tiếp nhận thêm một "phương thức truyền thông" về dịch bệnh, bên cạnh loa phường Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog và tin tức báo chí. Đến nhà ai, bà cũng hướng dẫn tỉ mỉ cách đeo khẩu trang, quy trình rửa tay, rồi khuyên mọi người hạn chế tụ họp nơi đông người, che miệng khi ho, hắt hơi...
Nữ bác sĩ chia sẻ: "Tôi có kiến thức, có sức khỏe, có thời gian, có cơ hội để tuyên truyền, thì không có lý do gì tôi đứng ngoài cuộc chiến này".
Bác sĩ Nguyễn Thị Khuyên đã về hưu được gần 10 năm. Ảnh: Thúy Quỳnh |
Bà Khuyên nguyên là trạm trưởng trạm y tế xã Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm. Bà cùng 280 y bác sĩ về hưu khác trên địa bàn thành phố đang xung phong chống dịch. Bà đã nghĩ đến phương án có thể phải cách ly, xa gia đình, nhưng "tôi không sợ". Ngược lại, bà vui vì mọi người đều ủng hộ công việc của mình. Từng là bác sĩ, bà Khuyên hiểu rõ mức độ nguy hiểm của Covid-19.
"Giúp được việc gì, tôi sẵn sàng giúp. Trước hết tôi tuyên truyền, về sau có thể sẽ tham gia chăm sóc bệnh nhân. Tôi cũng sẵn sàng đi xa nếu như có lệnh điều động", bà nói.
Những ngày đầu dịch, có một nhân viên khách sạn bị cách ly, người dân không biết ùn ùn kéo đến xem. Bà phải chạy lại nhắc nhở họ tránh tụ tập nơi đông người. Từ đó, đi đến đâu, gặp ai, bà đều tuyên truyền bằng miệng, bằng tờ rơi.
Lớp tập yoga gồm hơn 20 thành viên nghe lời khuyên của bà phải tạm ngưng. Dịp 8/3 trước đây có liên hoan văn nghệ, nay ngừng tổ chức. Do dịch bệnh, bà Khuyên cùng tổ dân phố cất công đến từng gia đình có đám cưới, khuyên răn họ "chỉ nên đăng ký kết hôn, không nên tổ chức ăn uống". Phường Liên Mạc đến nay đã hoãn 3 đám cưới.
"Tôi không ngại khó, ngại khổ, chỉ sợ mọi người không biết cách phòng bệnh rồi để lây nhiễm ra cộng đồng", bà chia sẻ.
Có kinh nghiệm chống SARS, giờ sẵn sàng chống Covid-19
Cũng như bà Khuyên, ông Đặng Minh Vụ là bác sĩ về hưu 5 năm nay, vẫn "hừng hực khí thế". Ông nguyên là cán bộ y tế phường Đông Ngạc.
Đã ngoài 70 tuổi, bị cao huyết áp, ông Vụ hiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sẽ cao hơn người bình thường. Song, ông nói: "Tôi rất vững vàng, bởi từng có kinh nghiệm tham gia chống dịch SARS".
Ông xác định là công dân thì phải có trách nhiệm với công tác phòng chống dịch cả nước.
Bác sĩ Đặng Minh Vụ, cán bộ y tế phường Đông Ngạc, về hưu được 5 năm. Ảnh: Thúy Quỳnh |
Bác sĩ Vụ kể, thời dịch SARS, phường Đông Ngạc không có bệnh nhân, chỉ có 2 người tiếp xúc gần (F1) và các bệnh nhân tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần (F2, F3), tất cả được cách ly tại nhà. Bác sĩ Vụ phải đến từng nhà người bệnh, làm công tác đo thân nhiệt, đo huyết áp mỗi ngày hai lần, cùng với đó là tuyên truyền, động viên, xem trong gia đình có ai biểu hiện nhiễm bệnh không để xử lý kịp thời. Các bệnh nhân đều được cách ly 14 ngày.
"Cách phòng chống dịch SARS và Covid-19 về cơ bản giống nhau, song Covid-19 có tính chất mạnh hơn dịch SARS", ông phân tích. "Mình được học về y khoa nhiều hơn, lại có kinh nghiệm chống dịch SARS trước rồi thì giờ mình phải lao vào".
Quê cách nhà 30 km, mỗi lần về ông đều tuyên truyền cho gia đình, không tụ tập đông người, sau khi sử dụng khẩu trang không được vứt bừa bãi...
Theo ông Vụ, với cán bộ y tế nghỉ hưu thì công tác tuyên truyền quan trọng và phù hợp. Trong trường hợp số người nhiễm nCoV quá nhiều, các y bác sĩ nghỉ hưu sẽ trực tiếp tham gia chăm sóc điều trị bệnh nhân. Ông cũng xác định sẽ có thể phải cách ly 14 ngày, 20 ngày, thậm chí hơn nữa... nhưng luôn trong tâm thế sẵn sàng được điều động tham gia.
"Không chỉ ban ngày mà làm ngoài giờ, ban đêm... tôi cũng sẵn sàng. Mong sao phường Đông Ngạc cũng như quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội hay cả đất nước sớm khống chế được đại dịch", bác sĩ về hưu chia sẻ.
Chống dịch cho cộng đồng cũng là bảo vệ mình
Y sĩ Nguyễn Thị Bích Lại, 68 tuổi, cũng là một trong 280 bác sĩ về hưu tham gia chống dịch Covid-19. Về hưu được 25 năm, hiện bà Lại là chủ nhiệm câu lạc bộ thể dục thể thao dưỡng sinh. Biết tin sắp có tập huấn để điều động tham gia đội chống dịch, bà háo hức, song không quên chuẩn bị chu đáo về sức khỏe.
Các thành viên trong câu lạc bộ hiện vẫn tập luyện cùng nhau, song bà tuyên truyền mọi người đeo khẩu trang mỗi buổi tập, đứng cách nhau 1,5 mét, không nói chuyện.
"Lúc đầu đeo khẩu trang y tế khó chịu, tôi nghĩ cách để mọi người chuyển sang đeo khẩu trang vải thì thấy dễ chịu hơn hẳn", bà nói. Hơn một tuần này dịch bùng phát, câu lạc bộ nghỉ, thành viên tự tập tại nhà.
Mỗi sáng tại ban công, bà Lại thức dậy, bắt đầu 11 bài tập bài dưỡng sinh trong vòng 45 phút. "Tôi rất yêu nghề y nên muốn tham gia chống dịch, mà muốn chống dịch tốt thì phải có sức khỏe", bà nói.
Ngoài tập dưỡng sinh, trong sinh hoạt, bà giữ gìn sức khỏe bằng việc giữ ấm cổ, uống nhiều nước, ăn uống điều độ, đặc biệt tăng cường vitamin C để nâng cao sức đề kháng.
Y sĩ Nguyễn Thị Bích Lại đã về hưu được 25 năm. Ảnh: Thúy Quỳnh |
Ông Đoàn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch UBND phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, rất cảm ơn đội ngũ y bác sĩ về hưu sẵn sàng tham gia chống dịch. Ông cho biết UBND sẽ phối hợp với Trung tâm y tế quận Bắc Từ Liêm tiến hành mời y bác sĩ, y tá nghỉ hưu để tiến hành tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tập huấn tuyên truyền phòng dịch cho các cựu y bác sĩ.
Bản nhạc " Việt Nam ơi " vang lên, bà Lại múa theo. Bộ quần áo đỏ, khuôn mặt hồng hào, nụ cười rạng rỡ, bà vừa múa vừa hát: "Đất nước Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh".
Thúy Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét